Phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành là một nội dung quan trọng của chương trình cho người khuyết tật. Việc phối hợp nhóm trong chẩn đoán và can thiệp đã giúp đẩy mạnh chất lượng trong công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Lấy người khuyết tật làm trung tâm
Hiện nay, nhu cầu can thiệp y tế của người khuyết tật tại tỉnh Bình Định tương đối cao với 42.750 người. Song, với nhiều lý do chủ quan và khách quan, hiện các cơ sở phục hồi chức năng vẫn đang thực hành theo hướng truyền thống. Các cán bộ y tế lĩnh vực phục hồi chức năng bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình khám, thiết lập mục tiêu, lập kế hoạch can thiệp, theo dõi và đánh giá cho người khuyết tật theo hướng đa ngành. Đặc biệt, quá trình đó ít có sự tham gia của người khuyết tật và gia đình, dẫn đến việc quá trình phục hồi chức năng của người khuyết tật chưa đạt kết quả cao.
Theo hướng dẫn phục hồi chức năng đa ngành cho trẻ khuyết tật của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Bình Định chỉ đạo, để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; từ ngày 28.10.2022, các cơ sở y tế bao gồm: Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Định, Trung tâm Y tế các huyện/thị xã An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành. Qua đó, đặt nền móng cho việc triển khai phối hợp nhóm đa ngành trong lĩnh vực phục hồi chức năng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để cung cấp dịch vụ toàn diện, liên tục, an toàn và chất lượng.
Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Định Võ Ngọc Phải cho biết, những năm gần đây, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y Tế, Sở Y tế tỉnh Bình Định, các hoạt động phục hồi chức năng cho người khuyết tật được triển khai mạnh mẽ. Trong đó, hoạt động phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành cho người khuyết tật đang được bệnh viện hướng đến. Theo đó, lấy người khuyết tật làm trung tâm, bác sĩ cùng kỹ thuật viên phục hồi chức năng các chuyên ngành khác nhau cùng phối hợp trong đánh giá, can thiệp và hỗ trợ cho người khuyết tật. Các chuyên ngành phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành bao gồm: Vật lý trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, dụng cụ trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình và các kỹ thuật khác.
“Việc triển khai cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành giúp cho việc lượng giá và can thiệp trên bệnh nhân một cách toàn diện hơn, nâng cao chất lượng điều trị phục hồi chức năng. Các thành viên trong nhóm đa ngành hiểu rõ hơn về tình trạng của người bệnh, cùng thảo luận và đưa ra được các mục tiêu chung và kế hoạch can thiệp dựa trên nhu cầu mong muốn của người khuyết tật, người bệnh, nhất là đối với những trường hợp phức tạp, nặng và mắc bệnh lâu dài. Cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành đòi hỏi các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng và các thành viên trong nhóm can thiệp đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn cho người khuyết tật; hiệu quả mang lại cao hơn, giúp người khuyết tật được phục hồi tốt hơn so với trước đây” bác sĩ Phải chia sẻ.
Có nhiều sự cải thiện
Đến ngày 30.11.2022, các cơ sở y tế trên địa bàn đã tiếp nhận và can thiệp thí điểm 103 bệnh nhân để cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành. Kết quả ban đầu qua can thiệp phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành cho 103 người bệnh nhân đều có sự cải thiện rõ rệt về các chức năng vận động, đi lại, chức năng sinh hoạt hàng ngày, chức năng giao tiếp… so với tình trạng bệnh nhân khi nhập viện.
Anh Nguyễn Công Khanh (khu vực Hòa Cư, phường Nhơn Hưng, thị Xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) chia sẻ: “Trước đây, tôi đi làm thợ hồ, trong một lần ngã tôi bị thương khá nặng và được xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Trước đây tôi đã điều trị rất nhiều nơi, tốn rất nhiều chi phí, nhưng bệnh tình không đỡ; sau khi điều trị tại đây, được sự tận tình của các y bác sĩ, tôi đã đỡ hơn nhiều, việc đi lại cũng trở nên dễ dàng hơn. Tôi thấy mô hình phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành này khá hiệu quả”. Cũng giống như anh Khanh, chị Lê Thị Mỹ Miên (tổ 2, khu vực 8, phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, trước đây việc đi lại, sử dụng khẩu hình của chị gặp khá nhiều khó khăn, nhưng sau khi được châm cứu 3 đợt và tập vật lý trị liệu, việc đi lại, chức năng giao tiếp đã được cải thiện rất nhiều.
Kỹ thuật viên, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Định Phan Nguyên Toàn cho biết, thực hiện phục hồi chức năng cho người khuyết tật theo nhóm đa ngành đã đạt hiệu quả sau khi can thiệp cao, 100 % trường hợp đạt mục tiêu can thiệp, 100 % trường hợp đạt mục tiêu cải thiện chức năng sinh hoạt hàng ngày; qua đó tạo điểm nhấn cho chuyên ngành phục hồi chức năng. Tuy nhiên, đa số người khuyết tật cần can thiệp về hoạt động trị liệu và âm ngữ trị liệu, song phần lớn các dịch vụ này chưa được bảo hiểm y tế chi trả.