Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh: Nâng cao kỹ thuật điều trị, chăm sóc bệnh nhân liệt (16/08/2017)

Đề án 1816, với nội dung “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” là một chủ trương lớn của ngành y tế thể hiện quyết tâm trong thực hiện chủ đề “Hướng về y tế cơ sở”, đồng thời cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp “giảm tải” cho các bệnh viện tuyến trên.

Hiệu quả từ Ðề án 1816

Là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh đã được chuyển giao nhiều kỹ thuật điều trị mới, đem lại hiệu quả cao trong công tác khám chữa bệnh.

Bác sĩ Đào Hồng Quang hướng dẫn kỹ thuật trường châm cho các bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Bác sĩ CKII Lê Phước Nin, Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh, cho biết: Cuối năm 2014, chúng tôi được Bệnh viện Châm cứu Trung ương về chuyển giao hai đơn vị kỹ thuật gồm: đơn vị tư vấn điều trị và kiểm soát đau cột sống, đơn vị điều trị và chăm sóc đặc biệt cho người liệt. Qua gần 3 năm thực hiện, các đơn vị kỹ thuật được chuyển giao đã áp dụng điều trị cho người bệnh, đem lại nhiều kết quả rất khả quan. Nhờ đó, đã thu hút thêm nhiều người bệnh đến điều trị tại bệnh viện, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Ví dụ, ở đơn vị tư vấn điều trị và kiểm soát đau cột sống (gồm đau thần kinh tọa; hội chứng vai gáy; thoái hóa cột sống cổ, thắt lưng; thoát vị đĩa đệm cổ, thắt lưng), năm 2014 (khi chưa chuyển giao) có 407 bệnh nhân điều trị; năm 2015 tăng lên 645 bệnh nhân; năm 2016 là 803 bệnh nhân.

Tương tự như vậy, ở đơn vị chăm sóc đặc biệt cho người liệt điều trị cho 418 bệnh nhân trong năm 2014, nhưng ở 2 năm tiếp theo số lượng tăng lên tương ứng là 736 và 871 người. “Số bệnh nhân đến điều trị tăng lên, phần nào cho thấy hiệu quả rõ rệt khi sử dụng các đơn vị kỹ thuật. Chất lượng điều trị được nâng cao, số ngày điều trị bình quân cũng được rút ngắn từ 22,2 ngày (năm 2015) xuống còn 21,5 ngày (năm 2016) và 21,2 ngày (6 tháng đầu năm 2017), góp phần giảm chi phí cho người bệnh, đồng thời nâng cao chất lượng điều trị tại bệnh viện, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh”, bác sĩ Lê Phước Nin cho biết.

Làm chủ kỹ thuật mới trong điều trị

Gói kỹ thuật “Điều trị và chăm sóc đặc biệt cho người liệt” được Bệnh viện Châm cứu Trung ương chuyển giao trong đợt này gồm một số nội dung như: hướng dẫn châm cứu bằng kỹ thuật dùng trường châm (kim dài), xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, tắm thuốc, hướng dẫn luyện tập phục hồi…

Đây là những phương pháp nâng cao, nhằm xử lý, điều trị hiệu quả hơn đối với các bệnh nhân bị liệt do tai biến mạch máu não hoặc do chấn thương, các dạng bệnh liên quan đến hệ thần kinh. Đội ngũ chuyên gia, bác sĩ của Bệnh viện Châm cứu Trung ương hướng dẫn bằng phương pháp cầm tay chỉ việc, cho đến khi các học viên thành thạo.

Nói về hiệu quả của kỹ thuật trường châm, bác sĩ Đào Hồng Quang, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết: “Với việc châm cứu bằng kim dài, các bác sĩ có thể châm cùng lúc nhiều huyệt, giảm số lượng kim châm trên cơ thể bệnh nhân. Phương pháp này có tác dụng điều khí tốt hơn, bệnh nhân nhanh hồi phục hơn, giảm số ngày điều trị”.

Thầy thuốc nhân dân – Tiến sĩ Nguyễn Diên Hồng, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, đánh giá rất cao khả năng tiếp nhận các đơn vị kỹ thuật điều trị mới của bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng Bệnh viện YHCT tỉnh. Ông nhận xét: “Việc các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng sớm nắm bắt, làm chủ được những kỹ thuật cao trong điều trị, chăm sóc người liệt, giúp cho nhiều bệnh nhân có điều kiện tiếp nhận dịch vụ khám chữa bệnh tốt hơn, ít tốn kém hơn. Bên cạnh đó, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, khi tạo được sự tin tưởng từ phía bệnh nhân”.

LÊ CƯỜNG

Facebook

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Scroll to Top